Dù thu nhập được từ 6 - 10 triệu/tháng là tương đối cao so với mặt bằng lương công nhân tại các KCN nhưng với thời gian, công sức bỏ ra thì mức lương này không cao, nếu không nói là rẻ mạt so với những "hi sinh", thiệt thòi của các nữ công nhân.
Con không nhận ra mẹ
Tiếng là được hưởng lương tương đối cao nhưng nhiều công nhân mải làm, chạy ca đến mức không có thời gian chăm sóc gia đình, chăm sóc con cái. Nhiều người trong số đó tâm sự, sáng ra đi làm thì con chưa dậy, tối về đến nhà thì con đã ngủ rồi. Thi thoảng có một ngày nghỉ thì con không theo mẹ, cảm thấy lạ lẫm và chỉ theo bà nội, bà ngoại là người trực tiếp trông hàng ngày.
Một trong những nỗi buồn day dứt nhất của Lý, công nhân Cty Sam Sung quê ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa là phải xa con. Ở KCN này không có nhà trẻ, lương 10 triệu mà gửi con cho hàng xóm trông thì cũng hết. Cực chẳng đã Lý đành gửi con cho bà nội ở quê, hàng tháng gửi tiền về nuôi con.
Công nhân tan ca
|
Nhớ lại cảnh cách đây 3 tháng về quê thăm con, Lý ngậm ngùi: "Cách đây vài tháng, em xin nghỉ về quê thăm con. Vừa nhìn thấy con, em dang tay ra định ôm con cho thỏa nỗi nhớ nhưng nó không theo. Em vừa chạy theo con vừa khóc, con lại chạy theo bà ngoại, bập bẹ hỏi: Mẹ đâu, mẹ đâu? Mà mẹ thì đứng ngay trước mặt cũng không biết, không theo...".
Lý cho biết, mùa này ít việc thì mới có thời gian như thế này, mùa nhiều việc như năm ngoái không có thời gian mà ngồi nói chuyện giữa các công nhân cùngkhu trọ. Thậm chí là các bạn ngay phòng bên cạnh mà cả tháng không gặp nhau lần nào. “Hôm nay có khách thì cả phòng mới thức muộn, chứ bình thường đi làm về mệt thường tắt điện đi ngủ sớm, ngủ mê mệt đến độ có khi còn không biết bạn cùng phòng về lúc nào, đi lúc nào, sáng ra mình đi sớm thì bạn vẫn chưa dậy”.
Đa số các nữ công nhân đều cho rằng, có gia đình rồi mà cuộc sống cứ phải tăng ca, đi làm đêm, làm ngày thì người phụ nữ sẽ không có điều kiện chăm sóc được gia đình. Bởi vạy, khi lấy chồng thì họ sẽ tìm việc khác hoặc về quê để sinh sống.
Có tiền nhưng vẫn thiếu đủ thứ
Theo quan sát của chúng tôi, trong KCN Yên Phong (Bắc Ninh) và khu dân cư quanh KCN này đều không có nơi nào để vui chơi, giải trí ngoài vài quán ăn vặt, quán karaoke. Ngày nghỉ hoặc những lúc rảnh rỗi, công nhân cũng chỉ la cà quanh những điểm này. Nhiều bạn công nhân ngày nghỉ, ngủ chán rồi cũng chỉ biết đi bộ lòng vòng quanh KCN.
Bạn Nguyễn Hoàng Lan, quê ở Phú Thọ hiện đang làm ở Cty Sam Sung chia sẻ, cứ tối đi làm về, không có TV nên bọn em thường lên mạng internet đọc báo chí, xem thần tượng ca sĩ của mình, sau đó nói chuyện với nhau một lúc rồi đi ngủ. Một số bạn có người yêu ở đây rồi thì vẫn có thể hẹn hò, đi chơi. Nhưng cả KCN này toàn là nữ, làm sao có đủ bạn trai để được mời đi chơi.
Bạn Nữ, quê ở Bắc Giang tâm sự: “Ở KCN Yên Phong, tình trạng phá thai là chuyện bình thường. Không ít người vì muốn lấy chồng nên dễ dãi trong chuyện quan hệ nam nữ. Nhiều công nhân ở đây sống thử trước hôn nhân. Đến khi nghe tin có bầu là đàn ông bỏ chạy hết”.
Công nhân đi chợ
|
Theo tìm hiểu của chúng tôi, KCN Yên Phong chỉ có 1 phòng khám y tế để phục vụ công nhân nhưng toàn công nhân vào khám những bệnh thông thường, còn những bệnh phụ khoa, nạo hút thai lại được họ tìm đến những phòng khám tư nhân. Thực tế tại một phòng khám ở thôn Trần Xá, xã Đông Hưng (Yên Phong, Bắc Ninh), nhìn bề ngoài rất sơ sài nhưng vào các buổi tối, công nhân nữ xếp hàng để khám phụ sản, siêu âm và phá thai. Giá của một ca phá thai chỉ 500.000 đồng, thủ tục rất đơn giản.
Nếu như các Cty khác trong cùng KCN, công nhân làm việc khoảng 10 tiếng với mức lương 7 triệu/tháng, họ cũng vẫn có 1 - 2 tiếng buổi tối về nhà chơi cùng con cái thì ở nhiều Cty FDI, thời gian làm được tận dụng tối đa. Tuy làm là được thêm tiền, công nhân đều chấp nhận nhưng có thể nói, đây là một bi kịch cho giai cấp công nhân. Bởi lương chưa đủ để họ trang trải cuộc sống tối thiểu, đến mức họ phải bán sức lao động cực khổ, bán tuổi trẻ, bán tất cả thời gian để đổi lấy tiền. Mà tiền đó dù có cao hơn mức thu nhập bình quân của công nhân thì cũng vẫn là quá rẻ so với những gì họ đã mất.
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Bùi Hoàng Mai, phó trưởng ban quản lí các KCN Bắc Ninh cũng thừa nhận, theo quy hoạch thì trong mỗi KCN đều phải có 1 khu dịch vụ gồm khu vui chơi, giải trí, trường học, nhà trẻ, trạm y tế và một số dịch vụ khác. Nhưng hiện tại chỉ có 2 KCN là Yên Phong, Tiên Sơn là có trung tâm y tế, còn các nơi khác chưa triển khai. UBND tỉnh cũng đã có quyết định về việc triển khai các hoạt động này trong KCN. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt 3/6 đề án: Dịch vụ nhà ở, dịch vụ môi trường, an ninh trật tự trong KCN để các nhà đầu tư yên tâm hoạt động…
Như vậy là các dịch vụ tiện ích đi kèm KCN trước sau gì cũng sẽ có, chỉ có điều là chưa biết bao lâu mới có. Từ đề án đến hiện thực hóa là cả một thời gian dài.
Theo Mai Khôi - Thanh Hậu (Tuổi Trẻ Thủ Đô)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét