Thứ Năm, 5 tháng 2, 2015

Ðã lỡ phạm tội sát hại sinh vật nhiều quá giờ phải làm sao?


Hỏi: Thưa thầy, hồi còn nhỏ, mỗi lần Tết đến con có luộc hột vịt lộn để bán. Vì còn nhỏ và không biết đạo nên con đã lỡ phạm giới sát sanh nhiều quá. Nay già rồi và biết đạo nên con rất sợ nghiệp sát, và hiện nay con đã bị đủ thứ chứng bịnh.. Thưa thầy, lúc nào con cũng cố gắng bố thí, làm phước, phóng sanh. Con vừa chứng kiến người bạn bị vô thường tới quá bất ngờ, nên con như người tỉnh mộng, có ý định xuất gia, nhưng con không có sức khỏe nên sợ tu không được. Xin thầy từ bi chỉ dạy cho con phải làm thế nào? Con thành kính tri ân thầy mãi mãi.


Ðáp: Phật tử đã có lòng cải hối ăn năn những lỗi lầm đã phạm phải trong quá khứ, như thế, thì thật là quá tốt và rất hiếm có. Tuy rằng, theo luật nhân quả đã có gây nhân, tất nhiên là phải có trả quả. Thế nhưng, luật nhân quả không phải cứng nhắc như thế. Mà nhân quả luôn luôn linh động và uyển chuyển. Vì từ nhân tới quả, còn phải tùy duyên. Nghĩa là, nó còn phải tùy thuộc vào những điều kiện phụ thuộc tốt hay xấu. Ðó gọi là những yếu tố trợ duyên giúp cho cái chánh nhân được hình thành. Nếu là những trợ duyên tốt, thì cái chánh nhân kia sẽ dẫn đến cái quả báo tốt đẹp. Ngược lại, thì phải lãnh lấy cái quả báo xấu xa. Do đó, nên nói tu hành là chuyển nghiệp. Nếu nghiệp không chuyển được, thì thử hỏi chúng ta gia công nỗ lực tu hành để làm gì? Nhờ có chuyển được nghiệp, nên chúng ta mới tu và mới được giải thoát.

Trường hợp của Phật tử, thiết nghĩ, Phật tử cũng không đến nỗi phải ưu tư lo lắng lắm. Vì sự sát hại sinh vật của Phật tử tuy rằng cũng khá nhiều, nhưng việc đó ít có mấy ai tránh khỏi. Thật ra, chủ yếu của giới thứ nhứt, Phật dạy người Phật tử không được tự ý sát hại sinh vật. Nhưng  chủ ý chính là Phật muốn ngăn cấm chúng ta không được giết hại sinh mạng con người. Vì sinh mạng của con người rất lớn và rất quan trọng, so với những loài sinh vật khác. Từ không được giết người rồi hạ thấp lần xuống, đến những loài sinh vật nhỏ nhít khác, Phật tử giữ được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu. Vì sự sinh tồn bảo vệ mạng sống của mình, tất nhiên, mình không thể nào tránh khỏi sự sát hại những loài sinh vật nhỏ nhít khác. Ðó là nói trong phạm vi của người Phật tử, đã quy y và phát nguyện giữ giới. Tuy nhiên, thử hỏi có bao nhiêu người Phật tử đã thật sự giữ trọn vẹn giới thứ nhứt không sát sanh hại vật nầy?
Phật tử thấy, ngay như gìn giữ không giết hại sinh mạng con người, mà người ta còn giữ không được thay, hà tất gì đến những loài sinh mạng nhỏ nhít khác. Thậm chí nhỏ nhít như hột vịt lộn mà Phật tử đã nói. Nếu cả nhơn loại chỉ cần giữ được giới thứ nhứt không giết người thôi, thì thế giới loài người sẽ không còn có khổ cảnh loạn lạc thảm họa vì chiến tranh cấu xé bắn giết tàn sát lẫn nhau.
Nhưng trải qua mấy ngàn năm nay, thử hỏi trong thiên hạ có bao nhiêu người giữ được không sát hại mạng sống con người? Cùng là loài người với nhau mà họ còn nỡ ra tay tàn sát đẩm máu lẫn nhau, nói chi đến những loài sinh vật khác! Tuy nhiên, đối với người Phật tử, thì chúng ta cố gắng giữ gìn không sát hại sinh vật được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu. Vì sao? Vì có nhiều điều lợi ích cho bản thân của chúng ta trong hiện tại cũng như mai sau. Thứ nhứt, là chúng ta biết tôn trọng lẽ sống công bằng. Thứ hai, là chúng ta nuôi lớn được lòng từ bi thương người thương vật. Thứ ba, là chúng ta tránh được quả báo oán thù dây dưa truyền kiếp về sau. Ðó là những lợi ích thực tế trong đời sống mà Phật đã dạy người Phật tử không nên sát hại sinh vật.
Trở lại trường hợp của Phật tử, theo như Phật tử đã nói, vì hồi còn nhỏ chưa hiểu đạo, nên Phật tử mới sát sanh hại vật nhiều như thế. Do đó, nên bị quả báo bịnh hoạn đau yếu hoài. Nay hiểu được chút ít đạo lý, nên Phật tử cố gắng gia công tu hành, bố thí, phóng sanh và làm nhiều điều phước thiện khác. Ðồng thời, chứng kiến cảnh vô thường nhanh chóng qua cái chết bất ngờ của người bạn, nên Phật tử có ý định bỏ tục xuất gia. Nhưng vì tuổi già hay đau yếu bịnh hoạn, nên không biết có nên xuất gia vào chùa ở hay không.
Qua những điều trình bày của Phật tử, tôi xin mạo muội góp chút thành ý và thành thật khuyên Phật tử một vài điều như sau:
Thứ nhứt, Phật tử nên yên tâm vui lòng mà trả nghiệp. Nhờ Phật tử khéo biết tu hành, làm lành lánh dữ, nên thay vì trả nghiệp báo nặng, nay chuyển thành trả quả báo nhẹ. Ðó là Phật tử thường hay đau yếu bịnh hoạn. Như vậy, Phật tử nên vui chớ không nên buồn. Vì trả nghiệp sớm chừng nào là Phật tử sẽ được nhẹ nhàng thảnh thơi sớm chừng ấy.
Thứ hai, tình trạng già yếu bịnh hoạn của Phật tử hiện nay, theo tôi, thì Phật tử cứ tiếp tục tu hành ở tại gia. Phật tử nên cố gắng hành trì chuyên tâm niệm Phật. Lấy việc niệm Phật làm phần chánh yếu trong việc tu hành. Ngoài ra, Phật tử cũng nên cố gắng tu tạo nhiều điều phước thiện khác, như từ trước tới nay Phật tử đã làm. Phải hết lòng niệm Phật cầu nguyện vãng sanh về Cực lạc. Ðược vậy là quý lắm rồi.
Còn việc xuất gia vào chùa, không phải là chuyện dễ dàng. Bởi hạnh nguyện của người xuất gia thật là cao cả, không phải là chuyện tầm thường như có một số người lầm tưởng. Ðó là hạnh tu của người xuất thế, phải có ý chí cao thượng và khả năng siêu trần đạt đạo. Phật tử già cả hay bịnh hoạn đau yếu, mà xuất gia vào chùa, đó chỉ là thêm gánh nặng cho nhà chùa mà thôi. Vả lại, tuổi tác của Phật tử hiện nay, làm sao có thể theo nổi những thời khóa tụng niệm cũng như quy chế của thiền môn. Chi bằng tốt hơn hết là Phật tử cứ hành trì tu tập ở nhà. Như vậy, có lẽ tiện lợi và không làm phiền đến ai. Ðó là lời khuyên chí tình thành thật của chúng tôi. Kính chúc Phật tử an vui mạnh khỏe, vững tâm tu hành, chóng đạt thành sở nguyện.

Nguồn: Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét